Chính phủ sẽ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, có chính sách, lãi suất phù hợp để giá nhà phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là người trẻ, vừa ra trường.
Sáng 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đối thoại với thanh niên về chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Anh Nguyễn Văn Linh (Công ty xây lắp 1, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cho biết công nhân trẻ có nhu cầu rất lớn về nhà ở nhưng gặp nhiều khó khăn. Anh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân mua được nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói gần đây các cơ quan đã quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ nêu nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Trong thời gian chờ sửa luật, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ nhiều vướng mắc về quỹ đất, ưu đãi, lựa chọn chủ đầu tư.
Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân đến năm 2030 cũng đang được hoàn thiện. Bên cạnh giải pháp về chính sách, bố trí vốn, tăng ưu đãi, loại hình nhà ở cho thuê sẽ được phát triển. Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 1,5-2%) để xây nhà ở xã hội. Người mua nhà cũng sẽ được hỗ trợ.
Theo ông Sinh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội gồm gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất 2%; gói 15.000 tỷ đồng giao Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nhóm được mua nhà xã hội vay, trong đó có thanh niên công nhân.
"Đây là những chính sách cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp tiếp cận nhà ở xã hội, vay vốn mua nhà", ông Sinh nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời câu hỏi của thanh niên, sáng 22/3. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu điều lo lắng nhất của thanh niên lúc ra trường là chỗ ở và ổn định việc làm. Với mức lương hiện nay, cán bộ trẻ, người lao động, công nhân muốn mua nhà rất khó vì phân khúc nhà ở chủ yếu là nhà thương mại, cao cấp.
Vì vậy, ông yêu cầu các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp, diện chính sách, người có công; nghiên cứu hình thức thuê, thuê mua, nghĩa là người lao động có thể thuê 5-10 năm, đến lúc đủ tiền thì mua nhà.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết nhiều vướng mắc về pháp lý sẽ được tháo gỡ, có chính sách tạo quỹ đất và mức lãi suất phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cũng như công nhân, người trẻ thuê, thuê mua nhà. "Tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này nhằm phát huy nguồn lực nhà nước, xã hội, để giá nhà phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, người trẻ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu thanh niên dự đối thoại, sáng 22/3. Ảnh: Nhật Bắc
Làm sao để sinh viên Việt Nam có năng lực ngang sinh viên thế giới?
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thương mại Vũ Như Quỳnh đặt vấn đề "giải pháp nào để sinh viên Việt Nam có năng lực, trí tuệ ngang với sinh viên thế giới và các nước phát triển?".
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng vấn đề này liên quan đến toàn bộ chất lượng giáo dục chứ không riêng khâu nào. Nền giáo dục Việt Nam đang đổi mới từ phổ thông đến đại học. Chương trình phổ thông đã đưa vào giảng dạy bắt buộc từ sớm môn tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử, phát triển bản thân.
"Năng lực người lao động phải hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học. Khi vào đại học, sinh viên cần tăng cường kiến thức nghề, năng lực chuyên môn", Bộ trưởng Sơn nói.
Ông cho biết, hiện các đại học đang tăng cường đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nhiều ngành khách liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0. Các chương trình đào tạo mới hướng đến kết nối đại học với doanh nghiệp. Ngoài kỹ năng nền, sinh viên còn được trang bị kỹ năng mềm, năng lực làm việc nhóm.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời thanh niên, sáng 22/3. Ảnh: Nhật Bắc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn. "Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta sử dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, từ khó khăn để vươn lên, phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau, nhưng thanh niên cần có kỹ năng sống để thích ứng với mọi hoàn cảnh. Ông nhắc lại nội dung đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo Trung ương Đoàn là "phải tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên và quốc gia như học ngoại ngữ, học công nghệ thông tin, để Việt Nam có thế hệ lao động đẳng cấp quốc tế".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kể, khi ông bước vào ngành ngoại giao, đất nước bị cấm vận nên luôn quyết tâm và khát vọng bằng mọi cách học tập, phấn đấu, cùng bạn bè đưa đất nước vượt qua khó khăn. Do đó, ông mong chờ thế hệ thanh niên hiện nay có khát vọng tiến vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Để thực hiện khát vọng đó, mỗi người đều phải rèn luyện, kể cả tâm, đức và trí. Về trí tuệ, chúng ta phải học, tự học và kết hợp giữa trí tuệ trong nước và nhân loại thì mới theo kịp bạn bè thế giới", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, nếu sống có khát vọng, mục đích, lý tưởng thì mỗi ngày mới sẽ tràn đầy năng lượng. Nếu sống không khát vọng thì lúc thức dậy không biết làm gì, bắt đầu từ đâu. "Thanh niên phải có tâm trong sáng, làm gì cũng nghĩ đến đất nước, nhân dân chứ chưa làm gì đã nghĩ đến lợi ích cá nhân hay người thân thì không làm được gì cả", ông nói.
Theo: VnExpress
Cập nhật lần cuối: 22/03/2023
2023-12-07 00:00:00
2023-03-22 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-11-24 17:47:57
2023-11-24 17:46:34
2023-11-24 17:45:24