Làn sóng cắt lỗ bất động sản có chiều hướng giảm về cuối năm, nhiều chủ đất chọn cầm cự khi nhìn thấy tín hiệu tích cực từ thị trường.
Đầu tháng 10, chị Ngọc (giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần) rao bán căn nhà riêng 38,4 m2 ở khu vực quận Phú Nhuận, TP HCM, nay chị quyết định dừng lại, chờ thị trường tốt lên.
Chị cho biết căn này lúc đầu được rao giá 5,3 tỷ đồng, dự tính sau khi thương lượng với người mua, có thể xuống tầm 5 tỷ đồng là chốt. Mức này đã giảm 20% so với cao điểm (2020 - 2021), nhưng nhiều khách đến xem xong đã trả xuống 3,5-4 tỷ đồng nên không bán được.
"Căn này do không còn sử dụng nên tôi tính bán để thu tiền về, chứ không phải nợ nần buộc phải cắt lỗ bằng mọi giá. Do đó, tôi quyết định không bán nữa, chờ giá ổn định mới tính tiếp", chị Ngọc nói.
Anh Phúc (TP Thủ Đức) cũng ngừng rao bán cắt lỗ lô đất ở TP Thủ Dầu Một sau nhiều lần bị khách ép giá sâu. Anh cho biết lô đất mua năm 2021 với giá 3,6 tỷ đồng, giờ bán 3,2 tỷ đồng vẫn bị chê cao. "Giá rao bán này so với lúc mua, tôi đã bị lỗ 400 triệu đồng mà khách vẫn muốn giảm thêm. Tôi quyết định giữ lại chờ thị trường phục hồi mới bán", anh Phúc nói.
Động lực khiến anh Phúc giữ lại tài sản là do lãi suất đã phần nào hạ nhiệt, anh vay được vốn ngân hàng, hiện không cần bán nhà nữa nên muốn chờ thêm một thời gian để thị trường khởi sắc hơn.
Bất động sản khu Nam TP HCM, đoạn qua huyện Nhà Bè, tháng 10/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Ghi nhận của VnExpres cũng cho thấy tình trạng ngừng giao dịch, bẻ kèo mua bán nhà đất thời gian qua diễn ra phổ biến hơn, nhất là sau khi lãi suất ngân hàng giảm mạnh và các chính sách luật mới được thông qua. Phần lớn các sản phẩm tạm ngừng giao dịch là đất nền tách thửa diện tích nhỏ, đã có sổ trong khu dân cư và nhà riêng lẻ trong nội thành.
Với phân khúc nhà riêng, nguyên nhân lật kèo phần lớn vì chủ nhà điều chỉnh lại giá đã thương lượng trước đó với môi giới, không muốn giảm sâu hơn. Còn phân khúc đất nền, thông tin sắp tới sẽ siết phân lô, tách thửa khiến nhiều người kỳ vọng những lô đất nền đã tách thửa, xong pháp lý sẽ "có giá" hơn. Nếu không kẹt tài chính, các chủ nhà đều muốn giữ lại thay vì bán rẻ lúc này.
Giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại Nhà Bè, cũng xác nhận gần đây có không ít chủ nhà "quay xe" không bán tiếp bất động sản. Một số giao dịch sắp đi đến bước công chứng lại bị họ "lật kèo". Theo ông, phần lớn do chủ nhà thấy thị trường đang có khách mua trở lại, muốn tranh thủ điều chỉnh giá, phần là hy vọng vài tháng nữa nhà đất sẽ tốt hơn nên tiếp tục "ôm hàng" chờ thêm.
Báo cáo từ DKRA Group cho thấy trong tháng 11, sóng bán cắt lỗ đất nền, nhà riêng lẻ đã hạ nhiệt phần nào, tình trạng giảm giá sâu 30-35% không còn phổ biến. Giá sơ cấp đất nền, nhà liền thổ tại TP HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận mức giảm trung bình từ 3-10% so với cùng kỳ 2022, và chỉ giảm ở nhóm sản phẩm có giá trị cao, chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Riêng thị trường thứ cấp, giá và giao dịch đều duy trì xu hướng đi ngang.
Còn theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, tháng 11, thị trường thứ cấp ghi nhận giao dịch cầm chừng, giá bán không có sự thay đổi. Phân khúc căn hộ và nhà liền thổ cũng không còn ghi nhận tình trạng giảm giá ở giao dịch thứ cấp mà chủ yếu đứng yên, thậm chí còn tăng nhẹ 2-3% ở một số dự án sơ cấp vị trí tốt.
Nhìn nhận về động thái giao dịch nhà đất thời gian gần đây, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Dat Xanh Services, phân tích thị trường bất động sản hiện đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái và gần như chạm đáy. Những chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó lãi suất đang rất thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Thực tế, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhà đầu tư cũng nghe ngóng bám sát diễn biến. Thế nên, nhiều chủ nhà "quay xe" không bán cắt lỗ nữa mà cân nhắc đưa ra mức giá bán tốt hơn khi đã xoay xở được về mặt dòng tiền.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, chu kỳ tăng trưởng mới của bất động sản sẽ diễn biến chậm, theo biểu đồ hình chữ U. Sớm nhất phải nữa cuối năm 2024 mới có thể khởi sắc phần nào. Vì vậy không nên quá kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đột biến trong năm sau.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, tuy bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng chưa phải là hết khó khăn. So với đầu năm, thị trường chỉ mới vượt khó được một phần, đồng nghĩa vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để có thể đi đến sự hồi phục hoàn toàn.
Theo đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, khuyến nghị nhà đầu tư nếu chấp nhận ôm đất, cần chuẩn bị tâm lý phải chờ đợi từ 6 -12 tháng nữa mới có thể có thanh khoản trở lại. Nếu nền tảng tài chính không thể cầm cự đến thời điểm đó, nên chấp nhận bán bớt một phần.
Cập nhật lần cuối: 07/12/2023
2023-12-07 00:00:00
2023-03-22 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-12-07 00:00:00
2023-11-24 17:47:57
2023-11-24 17:46:34
2023-11-24 17:45:24